Nguy hiểm cách ăn chay thiếu khoa học
Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015
Ăn chay giảm cân thanh lọc cơ thể là phương pháp nhiều người sử dụng.
Tuy nhiên nếu ăn chay không tuân theo khoa học có thể dẫn tới tình trạng thiếu chất, suy dinh dưỡng, sụt cân nhanh gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. Do đó ăn chay cũng cần sự tư vấn của bác sĩ và tuân theo hàm lượng dinh dưỡng năng lượng trong thực đơn.
Trường hợp: Chị Hoàng Thùy Linh (32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tôi bắt đầu ăn chay giảm cân được 3 tuần, thực đơn của tôi rút gọn đi rất nhiều, tôi chỉ ăn rau, cơm và uống nước, 3 bữa đều vậy, tôi hạn chế ăn đồ ăn khác. Đến nay da tôi xanh xao, người luôn mệt mỏi và yếu.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho hay anh từng điều trị cho nhiều người ăn chay bị thiếu chất, đặc biệt là thiếu máu do áp dụng chế độ dinh dưỡng không cân đối. Trong số những bệnh nhân đó, không ít người bị suy nhược trầm trọng, từng ngất xỉu nhiều lần trước khi gặp bác sĩ.
'Nếu đảm bảo đa dạng thực phẩm, có thể người ăn chay sẽ không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. Nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện hợp lý', TS Hưng khuyến cáo.
Thực vật cũng có chứa đạm nhưng hàm lượng các a-xít amin không phong phú bằng đạm động vật (Ảnh minh họa: Internet)
Theo TS Hưng, ăn chay cũng đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Rau, củ, thực vật thường nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu vitamin, đặc biệt nhóm B, A. Chúng tốt trong việc giải độc, giảm cân và phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, táo bón, tai biến, loãng xương…
Tuy nhiên, nhiều người đang thái quá về chế độ ăn này, họ thực hiện không đúng cách, hoặc áp dụng chay trường (ăn chay hoàn toàn) trong khi thiếu nhiều kiến thức về dinh dưỡng.
Chuyên gia này cho hay, thực vật cũng có chứa đạm nhưng hàm lượng các a-xít amin không phong phú bằng đạm động vật. Đó chính là lý do người ăn chay hay gặp tình trạng thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm hoặc vitamin B12. Những chất này có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật (như thịt, cá, trứng, gan, huyết, hải sản) và dễ hấp thu vào cơ thể. Trong khi đó, thức ăn có nguồn gốc thực vật cũng có chất sắt nhưng tỷ lệ thấp và cũng khó hấp thu hơn.
Đặc biệt, nhiều người ngộ nhận bữa ăn chay chỉ báo gồm cơm và rau quả. Thực chất, những bữa ăn quá đơn điệu như vậy có nguy cơ thiếu chất rất cao. Việc ăn thiếu chất đạm cũng có thể gây ra biếng ăn, nhão cơ, dễ nhiễm trùng.
Ngược lại, nếu bữa ăn chay quá nhiều bột, đường và dầu béo, năng lượng cao vẫn có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì như người ăn mặn.
Ăn chay có chừng mực
Đặc biệt, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân trong giai đoạn cần dinh dưỡng phục hồi bệnh… là những đối tượng đang được chú ý đặc biệt về mặt dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo không áp dụng chế độ ăn chay với những đối tượng này.
Đối với những người mắc bệnh béo phì, mỡ trong máu, huyết áp… nên nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng.
TS Hưng bày tỏ quan điểm: 'Tôi nghĩ ăn chay trường chỉ nên dành cho những người vì mục đích tôn giáo, hoặc những nghề đặc biệt. Khi đó, chắc chắn họ sẽ có sự tìm hiểu và một chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo sức khỏe. Còn những người ăn chay theo kiểu 'nửa mùa' tốt nhất nên dừng lại'.
Chuyên gia này tư vấn thêm, chúng ta nên ăn các món chay 1 - 2 ngày trong tháng, hoặc có thể nhiều hơn nhưng không phải chay trường. Trong đó, bữa ăn phải có đủ 4 nhóm chất: bột đường (gạo, ngũ cốc), đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm...), dầu và rau trái. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.
'Chế độ ăn tốt nhất vẫn là kết hợp hài hòa giữa đạm động vật và thực vật. Nếu bạn quyết định ăn chay, đó không phải là điều xấu nhưng cần cân nhắc điều này. Nhiều người có mục đích phòng bệnh nhưng sau khi áp dụng chế độ ăn này, họ lại mắc nhiều bệnh hơn chỉ vì những sai lầm không đáng có', TS Hưng cho biết.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét